• HCA VIỆT NAM
    • VĂN PHÒNG CHỨNG NHẬN HALAL

      HALAL CERTIFICATION AGENCY

    • Việt Nam
    • English
    Xuất khẩu chè xanh sang thị trường Trung Đông
    Thứ ba, 10:42 Ngày 06/10/2020

    Chè, mặt hàng xuất khẩu có giá trị của Lâm Đồng đang trong giai đoạn khó khăn vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Nhưng một doanh nghiệp vẫn đều đặn đưa sản phẩm chè Lâm Đồng sang thị trường Trung Đông với lượng xuất khẩu hàng năm không hề nhỏ.
     

     

    Xuất khẩu sang thị trường Trung Đông cần chứng chỉ Halal, trong đó có yêu cầu về quản lý vườn chè

     

    Ông Nguyễn Đức Thu - Giám đốc Công ty Phước Nam Anh, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm cho biết, Phước Nam Anh là doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng chè xanh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Công ty thành lập từ năm 2014 đến nay, mỗi năm Phước Nam Anh xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông như Pakistan, Apganistan… xấp xỉ 2.000 tấn chè xanh. Ngay cả năm 2020, dù rất khó khăn do dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới, Công ty cũng xuất được 1.800 tấn chè xanh. Ông Thu chia sẻ: “Khu vực Trung Đông sử dụng chè rất nhiều trong đời sống hàng ngày, với họ chè là thức uống không thể thiếu với tất cả dân cư. Do vậy, xuất khẩu chè xanh sang Trung Đông là hướng đi được chúng tôi định hướng ngay từ ban đầu và cho đến giờ vẫn nhận thấy đây là hướng đi đúng”.

     

    Ông Thu chia sẻ, với kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành chè, chọn hướng đi đúng là điều kiện bắt buộc để cạnh tranh trên thị trường. Trung Đông là khu vực sử dụng chè nhiều, chủ yếu là chè xanh với hương vị rất gần với cách uống chè của người Việt. Chè xanh là loại chè được chế biến bằng cách diệt men, giữ lại hương vị chát đặc trưng của búp chè. Vì vậy, chè xanh đòi hỏi phải được chế biến với các công đoạn xao, diệt men, vò… ngay khi thu hoạch mới đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Ông Thu cho biết: “Thị trường Trung Đông có những đặc thù riêng. Ngoài chất lượng của chè phải đảm bảo theo đúng yêu cầu của đối tác nhập khẩu, chúng tôi còn phải xây dựng chứng chỉ Halal chuyên dành cho người theo đạo Hồi, vì chủ yếu người sử dụng là người Hồi giáo. Bịch đóng chè cũng phải đóng ở tầm lớn, bịch 10 kg, 25 kg, vì người dân Trung Đông uống trà rất nhiều, họ thường mua sử dụng, mua biếu tặng nhau cả bịch chè to”. Cũng theo ông Thu, thị trường Trung Đông trước thường sử dụng chè Srilanca, chè Trung Quốc… nhưng đang có xu hướng chuyển dần sang sử dụng chè Việt Nam vì giá cả hợp lý hơn. Nếu vào được thị trường, đáp ứng được các tiêu chuẩn của đối tác và đặc biệt phải giữ được chữ tín, chè xanh Việt Nam sẽ mở thêm nhiều cơ hội tại thị trường Trung Đông. Công ty Phước Nam Anh, với truyền thống xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và lượng đối tác truyền thống, đã giữ được chỗ đứng của mình trong làng chè Việt.

     

    Ông Nguyễn Đức Thu chia sẻ, từ khi hoạt động tới nay, Công ty chưa một ngày đóng cửa nhà máy. Đó là bởi Công ty phải đảm bảo tiêu thụ hết lượng chè búp xanh nông dân thu hái mang tới nhà máy. Ông cung cấp: “Sản xuất chè thì phải có búp chè, chúng tôi có vườn chè nhưng chỉ ở mức 20 ha, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu sản xuất của nhà máy. Vì vậy, nhà máy chủ yếu thu mua chè búp của nông dân để chế biến”. Chủ tịch HĐQT Công ty, ông Thân Văn Sửu, vốn là một công nhân ngành chè tâm sự: “Nông dân trồng, hái được búp chè rất vất vả nên là người sản xuất, chúng tôi rất trân trọng công sức của bà con. Nhiều hôm bà con hái xong thì mưa, thực sự sản xuất chè gặp mưa chất lượng không đảm bảo nhưng chúng tôi vẫn cho máy chạy. Vì nhà máy không thu mua thì bà con phải bỏ nguyên mẻ búp, rất thiệt hại”. Hiện, Công ty đang thu mua một ngày từ 60-80 tấn chè búp tươi, góp phần giúp hàng trăm nông hộ trồng chè trong vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc sống khỏe.

     

    Điều những người làm chè xuất khẩu của Phước Nam Anh vẫn còn trăn trở là mối liên kết giữa doanh nghiệp - người trồng chè còn chưa thực sự gắn kết. Ông Nguyễn Đức Thu cho biết, Công ty cũng hướng nông dân đầu tư các giống chè mới, trồng theo quy trình và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nhưng thực sự, Công ty chưa đủ điều kiện để gắn bó chặt chẽ tới mức kiểm soát được quy trình canh tác vườn chè. Bởi vậy, Công ty đang phấn đấu liên kết chặt chẽ hơn với người nông dân, hướng tới mục tiêu mỗi búp chè đều có nguồn gốc rõ ràng, đi ra thị trường nước ngoài với giá trị cao hơn, góp phần xây dựng thương hiệu chè Việt.

     

    DIỆP QUỲNH(baolamdong.vn)

    Nguồn: Tại đây

    Liên kết facebook