• HCA VIỆT NAM
    • VĂN PHÒNG CHỨNG NHẬN HALAL

      HALAL CERTIFICATION AGENCY

    • Việt Nam
    • English
    UAE và Kuwait: Thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam
    Thứ hai, 16:28 Ngày 08/10/2018

    AE và Kuwait: Thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam

    Sự quan tâm, nỗ lực thúc đẩy cho mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Kuwait nói riêng và khối các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council- GCC) nói chung đã và đang mở ra nhiều cơ hội, triển vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khối.

    uae va kuwait thi truong tiem nang cho hang viet nam

    Hội thảo “Hành trình đến với thị trường UAE và Kuwait”

    Đây cũng là khẳng định của ông Jasem Abomarzouq, Phó Tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP. Hồ Chí Minh tại hội thảo “Hành trình đến với thị trường Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Kuwait” diễn ra sáng ngày 25/9, tại TP. Hồ Chí Minh.

    Thị trường lớn, đa dạng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

    Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Kuwait là 2 trong 6 quốc gia (gồm UAE, Saudi Arabia, Quatar, Bahrain, Kuwait, Oman) thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council- GCC) được đánh giá là có nhiều tiềm năng cho thương mại, đầu tư đối với Việt Nam.

    Bên cạnh đó, UAE là thị trường có khả năng thanh toán cao, là địa bàn trung chuyển lớn nhất tại khu vực, có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch nhập khẩu năm 2017 khoảng 265 tỷ USD. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần. Tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang UAE còn rất lớn, tập trung ở một số mặt hàng như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng…

    Ngoài ra, nhóm hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam đã bước đầu có mặt tại thị trường UAE, trong những năm tới sẽ là nhóm hàng có mức tăng trưởng tốt ở UAE do nhu cầu xây dựng tại UAE đang ngày càng tăng cao. Số lượng dự án tại UAE chiếm khoảng 30% tổng số các dự án đang được triển khai tại Trung Đông. Nhiều khoản đầu tư lớn được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch và giải trí, chủ yếu tại Abu Dhabi và Dubai. Hơn nữa, Dubai đã giành được quyền đăng cai Expo 2020 với mức đầu tư hạ tầng 7 tỷ USD sẽ góp phần đưa thị trường xây dựng bùng nổ trở lại trong những năm tiếp theo.

    Nhóm hàng thủy sản gồm các mặt hàng gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cá tra, cá basa, tôm đông lạnh… cũng là những mặt hàng có lợi thế, nhiều tiềm năng mà DN Việt Nam có thể xuất khẩu sang UAE. Đến nay hàng thủy sản Việt Nam bước đầu đã có chỗ đứng tại thị trường UAE, đặc biệt là mặt hàng cá da trơn, đây là mặt hàng được đánh giá là tiềm năng của Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ cá ở UAE là rất lớn.

    UAE là quốc gia tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhờ vị trí địa lý, hạ tầng dịch vụ phát triển và luật lệ thương mại thông thoáng, nên được xem là một cửa ngõ quan trọng cho xuất khẩu gạo. Năm 2013, UAE từng nhập khẩu gạo với kim ngạch đạt mức kỷ lục 2 tỷ USD, trong đó gạo tái xuất chiếm 93%. Mỗi năm, UAE nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo các loại. Gạo (jasmine) của Việt Nam được ưa chuộng tại UAE.

    Với nhóm hàng thực phẩm và rau quả tươi, UAE có nhu cầu nhập khẩu lớn do điều kiện khí hậu không thuận lợi cho trồng trọt (nhập khẩu của UAE năm 2014 đạt gần 3,2 tỷ USD và 2015 đạt khoảng 2,6 tỷ USD). Các mặt hàng rau quả có khả năng đẩy mạnh gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt, hồng xiêm đang được bán tại các siêu thị với giá tốt.

    Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản truyền thống có thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu (tiêu đen), cà phê… đã dần tìm được chỗ đứng tại thị trường UAE nói riêng, cũng như tái xuất sang các thị trường lân cận tại Trung Đông khác và khu vực Bắc Phi. UAE nhập khẩu từ khoảng 20 quốc gia, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nam Phi, với các loại trái cây như táo, lê, các loại trái cây họ cam, rau củ tươi…

    uae va kuwait thi truong tiem nang cho hang viet nam

    Đông đảo các DN tham gia hội thảo để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước thuộc khối GCC

    DN cần lưu ý phải có chứng nhận Halal khi xuất khẩu hàng hóa

    Ông Jasem Abomarzouq, Phó Tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP. Hồ Chí Minh cho biết kim ngạch thương mại song phương giữa Kuwait và Việt Nam cả năm 2017 chỉ đạt 350 triệu USD, nhưng trong 8 tháng/2018 kim ngạch song phương đã tăng gấp 4 lần so với cả năm 2017, đạt khoảng 1,43 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Kuwait khoảng 54 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Kuwait đạt 1,37 tỷ USD. Thị trường UAE có đặc điểm mọi hoạt động giao thương, tiếp cận đối tác được tiến hành thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành được tổ chức thường xuyên và diễn ra sôi động quanh năm, chủ yếu tập trung tại Dubai. Ông Jasem Abomarzouq đặc biệt lưu ý đến nét đặc trưng của Kuwait và các nước GCC là văn hóa Arab, ngôn ngữ Arab và đạo Hồi chính thống, từ đó các DN cần có các sản phẩm xuất khẩu phù hợp theo tiêu chuẩn chất lượng của đạo Hồi, lưu ý các loại sản phẩm cấm kỵ như các loại đồ uống có cồn, sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo, họa tiết in ấn trên bao bì…

    Ngoài ra, xuất khẩu vào thị trường UAE, Kuwait hay thị trường Trung Đông nói chung, DN cần phải chú ý yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn Halal. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Văn phòng chứng nhận Halal - nhận định, thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam, không có nhiều các rào cản kỹ thuật và thuế quan, nhưng thường yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Halal. Nền công nghiệp Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, dự báo sẽ có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021 (2.000 tỷ USD chi tiêu cho ăn uống).

    "Từ năm 2017 tất cả các sản phẩm Halal xuất khẩu sang các nước thuộc GCC phải được chứng nhận từ các tổ chức được công nhận bởi GAC/ESMA (cơ quan tiêu chuẩn đo lường và chất lượng của UAE" - bà Hằng nhấn mạnh.

    Nguồn: Thảo - Phượng - Báo Công thương điện tử ( http://congthuong.vn/uae-va-kuwait-thi-truong-tiem-nang-cho-hang-viet-nam-109300.html) 

    Liên kết facebook