• HCA VIỆT NAM
    • VĂN PHÒNG CHỨNG NHẬN HALAL

      HALAL CERTIFICATION AGENCY

    • Việt Nam
    • English
    Nhiều dư địa cho xuất khẩu hàng nông sản đi Trung Đông
    Thứ ba, 15:19 Ngày 29/03/2022

    Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo "Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt Nam đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch Covid-19" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Đại sứ Quán UAE và Kuwait tổ chức chiều 17/03.

    Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phát biểu tại Hội thảo.

    Trung Đông đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây là khu vực có với dân số đông (khoảng 400 triệu dân) bao gồm 16 quốc gia và có mức thu nhập bình quân đầu người cao.

    Theo ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC, Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu rất lớn đối với các mặt hàng như đồ gỗ, ngũ cốc, giày dép, dệt may... giá trị mỗi loại ước tính từ 2 - 8 tỷ USD. Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng các mặt hàng này của Việt Nam trong cơ cấu hàng nhập khẩu của các nước Trung Đông vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng 2 bên.

    Theo thống kê, các quốc gia Trung Đông nhập khẩu khoảng 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Đến năm 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước vùng Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm.

    Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại UAE giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp về nhu cầu và cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng vịnh (GCC).

    Ông Ngô Toàn Thắng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait cho biết, quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng vịnh (GCC) với 6 quốc gia thành viên là Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman với tổng dân số 65 triệu người năm 2021. 6 nước GCC đều là thành viên của WTO. 

    Thuận lợi là Việt Nam có quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu dài với các nước GCC. Bên cạnh đó, hai bên có khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác (đã ký các Hiệp định Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật với 5/6 nước, ký hiệp định thương mại 2/6 nước; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 5/6 nước GCC; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 4/6 nước; Hiệp định về vận chuyển hàng không với 5/6 nước; Thành lập Ủy ban liên Chính phủ/Ủy ban hỗn hợp với 5/6 nước GCC).

    Ông Thắng cũng lưu ý rào cản thương mại tại thị trường GCC là việc yêu cầu giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác… do Tổ chức tiêu chuẩn và Đo lường vùng Vịnh (GSMO) cấp, giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu.

    Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC gia tăng nhanh chóng và có mức tăng đột biến từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC mới đạt 2,7 tỷ USD, thì tới năm 2021 đã tăng gấp 4,6 lần, đạt 12,5 tỷ USD. Một thuận lợi nữa khi xuất khẩu sang Trung Đông, là mức thuế nhập khẩu chỉ từ 0 - 5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Chính vì điều này mà Trung Đông trở thành một thị trường đầy trường tiềm năng của Việt Nam.

    Theo Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal – HCA Việt Nam, chứng chỉ Halal là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào các quốc gia Hồi giáo.

    Theo Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal – HCA Việt Nam, chứng nhận Halal là chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/dịch vụ có trách nhiệm. Theo đó, doanh nghiệp cần đáp ứng được đồng thời 2 điều kiện là nguyên liệu Halal và dây chuyền sản xuất Halal. Có được chứng nhận này rồi thì việc vào thị trường Hồi giáo sẽ thuận lợi hơn. 

    Hiện nay thế giới Hồi giáo có tới 57 quốc gia thành viên OIC, 2,2 tỷ người Hồi giáo đang sinh sống tại 112 quốc gia trên thế giới (chiếm 25% dân số thế giới) và có tốc độ phát triển 2,9%/năm. Đây là thị trường rất lớn và giàu có.

    Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Đông như thiếu thông tin, những rào cản về logistics, thanh toán quốc tế. Vì vậy doanh nghiệp rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức ngoại giao Việt Nam tại khu vực, cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư như ITPC, chủ yếu trên các lĩnh vực, hoạt động khảo sát thị trường, kết nối giao thương và gặp gỡ các hệ thống kênh phân phối hiện đại tại khu vực Trung Đông.

    Không gian trưng bày các sản phẩm bên lề Hội thảo.

    Riêng với TP.HCM, Trung Đông là một thị trường đầy tiềm năng và còn nhiều dư địa để khai thác. Trong những năm đây, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang các quốc gia Trung Đông tăng đều theo các năm. Chỉ riêng UAE, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của Thành phố Hồ Chí Minh và UAE ước đạt 340 triệu USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 230 triệu USD tăng 12% so với năm 2020. Xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang Iraq ước đạt trên 130 triệu USD năm 2021, tăng 21%.

    Tuấn Anh

    Nguồn: Tạp chí điện tử Nông thôn Việt 

     

    Liên kết facebook