• HCA VIỆT NAM
    • VĂN PHÒNG CHỨNG NHẬN HALAL

      HALAL CERTIFICATION AGENCY

    • Việt Nam
    • English
    THỊ TRƯỜNG HỒI GIÁO BỊ BỎ QUÊN ?
    Thứ năm, 18:19 Ngày 22/08/2019

    Với 2.300 tỷ USD doanh thu mỗi năm, ngành công nghiệp Halal - cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, trở thành ngành công nghiệp quan trọng và nhiều tiềm năng trong khu vực châu Á. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới.

    Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành công nghiệp Halal dự báo đạt doanh thu 3.600 tỷ USD vào năm 2021, trong đó 2.000 tỷ USD chi tiêu cho ăn uống.

    Trong số các nước Hồi giáo có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa lớn phải kể đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Dubai, Kuwait, Malaysia, Indonesia... Đây là các thị trường trọng điểm của hàng Việt. 

    Hiện nay, UAE là nền kinh tế lớn thứ hai ở Trung Đông, là trung tâm thương mại và tài chính của khu vực. Quốc gia này cũng là nơi trung chuyển hàng hóa và trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ ba thế giới.

    Nền kinh tế này có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch năm 2017 đạt 265 tỷ USD. Cũng như UAE, do điều kiện không thuận lợi về đất đai và nguồn lao động nên Kuwait có nhu cầu nhập khẩu lớn và đa dạng các mặt hàng, từ điện tử, nông sản, thực phẩm đến vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, hàng may mặc...

    Tiềm năng là vậy nhưng đến nay, thị phần hàng Việt Nam tại thị trường các nước Hồi giáo còn rất khiêm tốn. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu năm 2017 của UAE khoảng 265 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE chỉ đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần. Theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng của Kuwait đang tăng lên nên tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang Kuwait là rất lớn. Các mặt hàng Việt Nam có khả năng tăng lượng xuất khẩu sang Kuwait gồm chè, cà phê, hoa quả sấy khô và đóng hộp, nước uống đóng lon, than củi...

    Tương tự, mỗi năm Kuwait nhập khẩu 30 tỷ USD hàng hóa nhưng hàng Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,25% thị phần, với kim ngạch khoảng 70 - 75 triệu USD.

    Ở góc độ một đơn vị chuyên về dịch vụ chứng nhận Halal cho sản phẩm Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Trưởng Bộ phận Marketing Văn phòng Chứng nhận Halal cho rằng thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam.

    Thị trường này không có nhiều rào cản kỹ thuật và thuế quan như Mỹ, châu Âu nhưng lại yêu cầu tiêu chuẩn Halal rất khắt khe. Trong đó, sản phẩm phải đảm bảo không có thành phần thịt heo, thịt chó và các loại thịt động vật bị cấm khác. Sản phẩm không chứa các loại chất cấm theo tiêu chuẩn của người Hồi giáo, không quảng cáo hình ảnh liên quan đến phụ nữ trên bao bì...

    Sản phẩm Halal là sản phẩm được xác định không có các thành phần Haram (bị cấm). Các sản phẩm được yêu cầu có chứng nhận Halal gồm thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược phẩm, chế phẩm sinh học phụ gia, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ nhà hàng, logistics...

    Trên thế giới, các tổ chức chứng nhận Halal được công nhận gồm Jabatan Kemaiuan Islamic Malaysia - JAKIM, Majelis Ulama Indonesia - MUI, GCC Accreditation Center - GAC, ESMA (UAE)..

    Nếu chứng nhận BRC (chứng nhận tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm) hay HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn về an toàn thực phẩm) thiên về quy trình sản xuất, kiểm soát rủi ro, thì Halal tập trung vào phần nguyên liệu được phép sử dụng, quy trình sản xuất về Halal phải tách biệt với quy trình sản xuất không Halal.

    Với những sản phẩm thủy sản, doanh nghiệp không phải thay đổi nhiều vì thủy sản được đánh giá là có nguy cơ thấp trong Halal bởi không phối trộn nhiều chất phụ gia. Còn với các loại sản phẩm khác, doanh nghiệp phải thay đổi một số hoạt động, nhất là phần nguyên liệu phải phù hợp với yêu cầu của Halal. "Không có nhiều rào cản kỹ thuật, tuy nhiên doanh nghiệp cần có chứng nhận Halal mới có thể xuất khẩu sản phẩm vào các quốc gia này", ông Trần Phan Tế nói.

    Yêu cầu của nhà nhập khẩu là vậy nhưng nhiều sản phẩm Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Theo bà Ngọc Hằng, hiện nay không ít doanh nghiệp chưa nhận thức được rõ tiêu chuẩn Halal là gì, họ chỉ hiểu sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Halal là không có thịt heo chứ không biết Halal còn đưa ra hàng loạt chất cấm khác.

    "Ở Việt Nam tuy có nhiều tổ chức cung cấp chứng nhận Halal nhưng lại chưa có quy định, tiêu chí rõ ràng để đánh giá. Doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc xác định được công nhận cấp giấy phép, giấy phép công nhận có phù hợp, có được chấp nhận ở thị trường không", một doanh nghiệp tìm hiểu về thị trường Halal cho biết.

    Trên thực tế, tại Việt Nam có rất ít người Hồi giáo nên doanh nghiệp Việt vẫn chưa quen với việc sản xuất sản phẩm và cung cấp các dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Đó là chưa kể các tiêu chuẩn Halal của từng quốc gia lại rất khác nhau khiến nhà sản xuất lúng túng trong việc áp dụng từng bộ tiêu chuẩn của từng nước Hồi giáo.

    Để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal theo yêu cầu của thị trường, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng trước các tiêu chuẩn Halal để khi có đơn hàng, việc xin giấy chứng nhận sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Với các nhà máy sản xuất sản phẩm Halal và sản phẩm thường, phải đảm bảo tách biệt hoàn toàn thiết bị máy móc, nhân sự, lối đi... của 2 dây chuyền.

    "Đáp ứng được tiêu chuẩn Halal là đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Như thế, kể cả hàng hóa không xuất sang các quốc gia theo đạo Hồi nhưng nguồn nguyên liệu được chứng nhận Halal vẫn có lợi thế rất lớn ở nhiều thị trường khó tính", bà Ngọc Hằng tư vấn. 

    Liên kết facebook