• HCA VIỆT NAM
    • VĂN PHÒNG CHỨNG NHẬN HALAL

      HALAL CERTIFICATION AGENCY

    • Việt Nam
    • English
    Mỹ phẩm Halal - sự hài hòa giữa sắc đẹp và đức tin
    Thứ ba, 09:20 Ngày 22/02/2022

    Theo Baoquocte.vn. Mỹ phẩm Halal đang trở thành một xu thế mới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm toàn cầu, quyến rũ chị em phụ nữ Hồi giáo nói riêng và thé giới nói chung.

    Người Hồi giáo chỉ sử dụng các loại mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn Halal. (Nguồn: Canva)

    Người Hồi giáo chỉ sử dụng các loại mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn Halal. (Nguồn: Canva)

    Trên thế giới, từ lâu đã xuất hiện nhiều dòng mỹ phẩm khác nhau như dòng mỹ phẩm hữu cơ, dòng có nguồn gốc từ thực vật, dòng không có độc tố, v.v…

    Tuy nhiên dường như những dòng mỹ phẩm này chưa thực sự đáp ứng được điều kiện đặt ra bởi người tiêu dùng Hồi giáo mà họ sẽ dùng một loại mỹ phẩm có tiêu chuẩn riêng dành cho Hồi giáo - mỹ phẩm Halal.

    Với số lượng 1,8 tỷ người theo đạo Hồi, dòng mỹ phẩm Halal có một chỗ đứng nhất định trong thị trường tiêu thụ mỹ phẩm nói chung.

    Halal là gì?

    Trước hết, vậy Halal là gì?

    Thuật ngữ Halal hiểu một cách đơn giản nhất có nghĩa là “được phép” (từ trái nghĩa là Haram- “không được phép”). Trong tâm thức của người theo đạo Hồi, Thánh Allah (hay Thiên đế, Thượng đế, Chúa trời) là duy nhất, là nguồn mạch của vạn vật trên thế gian này, lời của Thượng đế là Chân thực và Tuyệt đối.

    Chính vì vậy Thượng đế mới có thể quyết định đâu là Halal và Haram, từ đó những tín đồ Hồi giáo tin rằng những sản phẩm có chứng nhận Halal mới được phép sử dụng.

    Sản phẩm Halal hiểu nôm na là không có bất cứ nguyên liệu Haram (nguyên liệu bị cấm bởi luật Sharīah như cồn, một số loài động vật trong danh sách, nguyên liệu không theo phương pháp giết mổ của luật Sharīah) và phải đảm bảo độ “thuần khiết” từ chuẩn bị nguyên liệu, sản xuất đến đóng gói, phân phối.

    Từ định nghĩa đó, ta có thể thấy ngoài những điều như quy trình hay kỹ thuật, để sản phẩm là Halal thì còn có yếu tố về đức tin.

    Quy chuẩn khắt khe

    Từ đó, không khó để thấy một loại mỹ phẩm được coi là đạt chuẩn Halal sẽ không chứa cồn và chế phẩm có nguồn gốc động vật. Đáng tiếc là những dòng mỹ phẩm trên thị trường hiện nay đa số đều chứa một số nguyên liệu bị cấm trong Luật Hồi giáo. Điều này đặt ra bài toán cho các thương hiệu, buộc họ phải nghiên cứu cách thay thế hoặc loại bỏ các nguyên liệu bị cấm để có thể gắn mác Halal vào sản phẩm của mình nhằm phục vụ cộng đồng người tiêu dùng Hồi giáo đông đảo.

    Với số lượng 1,8 tỷ người theo đạo Hồi, dòng mỹ phẩm Halal rõ ràng có một chỗ đứng nhất định trong thị trường tiêu thụ mỹ phẩm nói chung.

    Về son, thành phần phổ biến của hầu hết các thỏi son trên thị trường hiện nay là carmine - một loại sắc tố có nguồn gốc từ rệp son. Sau khi thu hoạch, rệp son sẽ được phơi nắng, nghiền nát và ngâm trong dung dịch cồn có tính axit để tạo ra axit carminic, chất cuối cùng để trở thành carmine.

    Quá trình tạo ra carmine chứa nhiều thứ bị cấm (côn trùng, dung dịch cồn) theo Luật Hồi giáo. Vì vậy, người Hồi giáo sẽ từ chối dùng những thỏi son có chứa carmine.

    Nguyên liệu từ động vật có thể kể đến gelatin - một loại protein làm ra chất làm đông - thường được tìm thấy trong các dòng sản phẩm kem dưỡng mặt, kem dưỡng da, dầu gội đầu… Gelatin thúc đẩy tạo ra collagen trong cơ thể, giúp tái tạo sự đàn hồi và khiến da căng mịn.

    Gelatin có thể là từ thịt lợn, từ cá, bò hoặc gia cầm. Điều thú vị ở đây là mỹ phẩm có gelatin khai thác từ thịt lợn sẽ luôn bị cấm, song nếu nguồn gốc của gelatin là từ biển thì lại được người Hồi giáo tin dùng. Trong trường hợp gelatin được khai thác từ bò hoặc gia cầm, người ta sẽ phải xem xét quy trình giết mổ có đúng theo luật Hồi giáo hay không, từ đó cân nhắc xem mỹ phẩm có đạt chuẩn Halal không.

    Trong mỹ phẩm Halal, những nguyên liệu dễ bị trở thành Haram như trên có thể được thay thế bằng các chế phẩm từ thực vật và khoáng chất. Những chế phẩm này có thể đến từ dầu dừa, hoặc các loại hạt.

    Sơn móng tay Halal cũng là sản phẩm không thể thiếu trong công nghiệp mỹ phẩm Halal. Bởi lẽ, theo tín ngưỡng Hồi giáo, tín đồ cần thực hiện nghi thức Wudu, tức tắm rửa để thanh tẩy cơ thể (bao gồm móng tay) trước khi cầu nguyện hàng ngày, trò chuyện với thần linh.

    Song trớ trêu thay, sơn móng tay thông thường sẽ ngăn cản khí oxi và nước không thể chạm đến móng tay, từ đó không thể thực hiện Wudu một cách hoàn chỉnh.

    Tuy nhiên, sơn móng tay Halal thì khác, bởi nó cho phép oxy và nước thấm qua lớp sơn, chạm đến móng tay bằng một loại polymer tiên tiến, này có đặc tính tương tự polymer trong kính áp tròng, cho phép nước và oxy đi qua mắt. Công thức sơn móng tay này giúp dưỡng móng tay tốt hơn và ít thành phần độc hại hơn.

    (02.18) Sơn móng tay Halal sử dụng một loại polymer tiên tiến cho phép nước và oxy thẩm thấu qua lớp sơn. (Nguồn: Have Halal Will Travel)
    Sơn móng tay Halal sử dụng một loại polymer tiên tiến cho phép nước và oxy thẩm thấu qua lớp sơn. (Nguồn: Have Halal Will Travel)

    Đón đầu xu thế

    Quy trình sản xuất cùng các tiêu chuẩn khắt khe không chỉ giúp mỹ phẩm Halal có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng người Hồi giáo, mà còn phản ánh xu hướng toàn cầu về ưu tiên sử dụng mỹ phẩm “xanh” - không thử nghiệm trên động vật hoặc giết động vật bừa bãi và thân thiện với môi trường.

    Nhu cầu chăm sóc sắc đẹp từ dòng sản phẩm có thành phần tự nhiên ngày càng gia tăng, không chỉ trong cộng đồng Hồi giáo mà còn đang nổi lên khắp thế giới.

    Bản chất của tiêu chuẩn Halal là hướng tới lối sống lành mạnh, cân bằng với xã hội và hài hòa với môi trường. Vì vậy, trong tương lai, có thể mỹ phẩm Halal sẽ trở thành xu thế trong ngành công nghiệp mỹ phẩm thế giới, quyến rũ chị em phụ nữ, dù họ có là tín đồ Hồi giáo hay không.

    Trong bối cảnh đó, đã đến lúc các thương hiệu mỹ phẩm nên tìm kiếm chứng nhận Halal cho sản phẩm của mình, để tiếp cận đến thị trường chiếm tới 1/4 dân số thế giới và giúp người dùng tìm kiếm sự cân bằng giữa làm đẹp và đức tin.

    THU PHẠM

    Nguồn: "Báo Thế giới & Việt Nam" 

    Liên kết facebook