• HCA VIỆT NAM
    • VĂN PHÒNG CHỨNG NHẬN HALAL

      HALAL CERTIFICATION AGENCY

    • Việt Nam
    • English
    Doanh nghiệp xuất khẩu sang Algeria thiệt hại nặng vì đối tác tráo trở
    Thứ sáu, 15:38 Ngày 22/11/2019

    Đối tác Algeria thường ép giá khi hàng xuất khẩu đến cảng khiến doanh nghiệp phải chịu phí cùng nguy cơ bị mất hàng do hải quan bán đấu giá.

    Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, thời gian gần đây, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã gặp phải một số vấn đề với khách hàng Algeria. Hình thức chung là khi hàng xuất khẩu đến cảng Algeria, vì một số lý do như giá hàng xuống thấp hơn so với thời điểm mua, hoặc đối tác tìm được nhà cung cấp khác với giá rẻ hơn, một số khách hàng Algeria thường không nhận hàng hoặc ép người bán phải giảm giá. Điều này đã gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

    Mặt khác, theo quy định của Algeria, khi hàng đã vào cảng, tức là thuộc quyền sở hữu của người mua dù chưa thanh toán, thậm chí chưa đặt cọc hay cầm bộ chứng từ gốc, nếu muốn bán cho khách hàng khác hoặc chuyển hàng về nước, nhà xuất khẩu phải có sự đồng ý và hợp tác của khách hàng. Khi hàng nằm ở cảng quá 81 ngày cơ quan hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá, sung công quỹ.

    “Việc thuê luật sư khởi kiện tại Algeria thường tốn kém và thủ tục kéo dài, hiệu quả không cao. Lợi dụng điều này, một số khách hàng Algeria thường gây khó dễ cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi hàng đã đến cảng”, thương vụ chỉ rõ.

    mot so doanh nghiep algeria thieu nghiem tuc trong giao dich thuong mai hinh 1
    Algeria là thị trường nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam. 

    Thương vụ Việt Nam tại Algeria cũng đưa ra danh sách một số đối tác Algeria đã có biểu hiện làm ăn thiếu nghiêm túc với nhà xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể như Công ty S.A.R.L Zima Food; Eurl Ghida Unifor Import-Export đã mua 1 container tiêu đen của Việt Nam, phương thức thanh toán là 100% nhờ thu DP qua ngân hàng và đặt cọc 24% giá trị lô hàng.

    Khi hàng đến cảng Alger, do giá hạt tiêu xuống thấp, khách không chịu lấy hàng. Công ty Việt Nam đã bay sang đàm phán các giải pháp, kể cả chấp nhận hạ giá bán nhưng khách không hợp tác để lấy hàng cũng như đưa hàng trở về Việt Nam hoặc bán cho khách khác mà chỉ đòi tiền đặt cọc. Sau khi hàng ở cảng quá 81 ngày, Hải quan Algeria đã bán đấu giá. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã thuê luật sư ở Algeria kiện khách hàng ra tòa, song cho đến nay đã hơn 2 năm, tòa án Algeria vẫn chưa xử xong.

    Trường hợp khác, sau khi ký hợp đồng mua hạt tiêu của doanh nghiệp Việt Nam, khi hàng đến cảng Algeria, khách hàng yêu cầu phải giảm giá, sau đó cắt đứt mọi liên lạc. Với sự can thiệp của Thương vụ, khách đã phải quay lại giao dịch với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên để khách lấy hàng, doanh nghiệp xuất khẩu đã phải hạ giá lô hàng, tổn thất lên tới 500 triệu đồng.

    Đã có ít nhất 3 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp vấn đề với công ty S.A.R.L El Nader Negoce. Khi hàng đến cảng Algeria, khách thường thông báo là hàng không đảm bảo chất lượng, hải quan không cho thông quan dẫn đến việc nhà xuất khẩu hoặc phải hạ giá hoặc phải tái xuất hàng về nước với chi phí kho bãi, vận chuyển… rất tốn kém.

    Để chắc chắn trong khâu thanh toán, Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu nên đề nghị khách hàng đặt cọc ít nhất 40-50% giá trị lô hàng hoặc sử dụng thanh toán bằng L/C không hủy ngang có xác nhận. Đã xảy ra một số trường hợp, sau khi giao dịch được vài năm khá suôn sẻ, khách đột nhiên không tôn trọng hợp đồng đã ký kết; Liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Algeria để nhờ hỗ trợ khi cần thiết.

    Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 135,6 triệu USD, giảm 9,7%. Nguyên nhân xuất khẩu giảm là do giá một số mặt hàng nông sản giảm như cà phê, hạt tiêu. Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là cà phê, kim loại thường, điện thoại và linh kiện, thủy sản, hóa chất, gạo,…/.

     Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

    Nguồn  : https://vcci.com.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-sang-algeria-thiet-hai-nang-vi-doi-tac-trao-tro?fbclid=IwAR3wYBRFY9lfOn-clVNmsbTMtLMiLSQ4g1t6R1NvkerRHKulHAToCmMB2vA

    Liên kết facebook